Nước tiểu của một người khỏe mạnh có màu từ trong đến vàng sẫm. Tuy nhiên, nếu nó thay đổi sang bất kỳ màu nào khác và việc bù nước hoặc thay đổi chế độ ăn vẫn không khắc phục được thì tốt nhất bạn nên sớm đi kiểm tra sức khỏe. Chúng ta cùng tìm hiểu nhanh thông qua màu nước tiểu:
1. Nước tiểu màu vàng nhạt
Nước tiểu màu vàng nhạt là một dấu hiệu tốt. Điều này cho thấy nước tiểu của bạn hoàn toàn bình thường và cơ thể bạn không gặp tình trạng mất nước.
2. Nước tiểu đỏ hoặc hồng
Nước tiểu có màu đỏ hay hồng có thể xuất hiện do khi bạn tiêu thụ các thực phẩm có sắc tố hồng đậm hoặc đỏ tươi tự nhiên như quả mâm xôi, củ cải đường, cây đại hoàng.
Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể gây nên tình trạng nước tiểu đỏ hoặc hồng như rifampicin trong điều trị lao phổi, phenazopyridine, thuốc táo bón chứa senna.
Nước tiểu màu đỏ hoặc hồng là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang gặp một số vấn đề như tiểu máu, u xơ tiền liệt tuyến, sỏi thận, ung thư đường niệu, nhiễm độc chì hoặc thủy ngân,…
3. Nước tiểu màu cam
Nước tiểu màu cam có thể là một dấu hiệu của việc cơ thể bạn bị mất nước hoặc có vấn đề về gan, ống mật.
Nếu bạn có đặc điểm như phân trắng, da vàng thì đây là dấu hiệu của tình trạng tắc nghẽn đường mật.
4. Nước tiểu có màu xanh lá
Nước tiểu màu xanh lá có thể do phẩm màu thực phẩm có trong bánh, kẹo hay do trong khẩu phần ăn của bạn có măng tây. Ngoài ra, uống quá nhiều vitamin B cũng có thể làm cho nước tiểu chuyển thành màu xanh lá.
Một số loại thuốc khi sử dụng cũng làm cho nước tiểu của bạn có màu xanh lá như amitriptylin trong điều trị trầm cảm, thuốc giảm đau indomethacin. Bên cạnh đó, propofol dùng trong gây mê có thể được đào thải qua thận làm nước tiểu có màu xanh lá.
5. Nước tiểu màu hổ phách hoặc màu mật ong
Nếu nước tiểu của bạn chỉ có màu vàng đậm hơn bình thường như màu hổ phách hay màu mật ong, điều này có thể là dấu hiệu cơ thể bạn đang trong tình trạng thiếu nước.
Khi bạn không nạp đủ lượng nước cho cơ thể, các hợp chất trong nước tiểu của bạn trở nên cô đặc hơn, khi đó nước tiểu sẽ có màu vàng đậm hơn.
6. Nước tiểu màu nâu sẫm
Nước tiểu màu nâu sẫm có thể gặp khi cơ thể bạn đang thiếu nước trầm trọng hoặc có thể do các loại thực phẩm gây ra như cây đại hoàng, nha đam hay đậu răng ngựa,…
Một số loại thuốc có thể làm nước tiểu có màu nâu sẫm như thuốc điều trị nhiễm khuẩn metronidazole, nitrofurantoin hay cloroquin, primaquin trong điều trị sốt rét và thuốc có chứa cascara, senna,…
7. Nước tiểu trắng đục
Điều này có thể được gây ra bởi sự dư thừa của một số khoáng chất nhất định, chẳng hạn như canxi hoặc phốt phát. Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tình trạng tiểu đạm cũng sẽ khiến nước tiểu có màu trắng đục.
Trong một vài trường hợp, nước tiểu trắng đục còn có thể là một dấu hiệu của việc mất nước, bệnh đái dưỡng chấp, viêm ruột Crohn, viêm túi thừa,…
8. Nước tiểu có bọt
Sự xuất hiện bọt trong nước tiểu đôi khi do sự va chạm giữa nước tiểu và nước ở nhà vệ sinh tạo nên. Bên cạnh đó, tình trạng tiểu đạm sẽ làm trong nước tiểu xuất hiện protein gây ra bọt.
Tình trạng tiểu đạm này thường gặp trong các bệnh lý tổn thương tại thận, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, tăng huyết áp,..
9. Nước tiểu không màu (nước tiểu trong)
Khi nước tiểu không màu là dấu hiệu cơ thể bạn đang dư thừa nước. Cơ thể cần 2 – 2,5 lít nước/ngày, khi bạn uống nhiều hơn lượng nước này có thể gây rối loạn điện giải, từ đó làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
Nếu bạn không uống nhiều nước mà nước tiểu vẫn trong thì có thể đây là nguy cơ tiềm ẩn của bệnh thận, đái tháo đường, xơ gan. Lúc này, bạn cần gặp bác sĩ để được thăm khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
KHI NÀO CẦN THĂM KHÁM
Nếu như nước tiểu của bạn có màu sắc khác so với thông thường kéo dài hơn 2 đến 3 ngày thì hãy tìm đến bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân.
Sự bất thường về màu sắc của nước tiểu nếu đi kèm với các dấu hiệu khác như vàng da hay phân trắng cho thấy cơ thể bạn đang gặp vấn đề.
Biên tập: Tuệ An
Theo: Tiến sĩ Trần Hoàng Hải