Khổng Tử là nhà tư tưởng vĩ đại sống vào thời Xuân Thu. Ông rất coi trọng lương thực và “ẩm thực” là một trong những nội dung quan trọng của việc tu thân. Khổng Tử đã ghi lại quan điểm ăn uống của ông trong cuốn sách “Luận Ngữ”, theo ông có tám thứ con người không nên ăn.
Khổng tử viết: “Cơm càng trắng tinh càng tốt, gỏi thái càng nhỏ càng tốt. Cơm hẩm và thiu, cá ươn mà thịt đã nhão, không ăn. Thức ăn đã biến sắc, hư rồi, không ăn. Thức ăn có mùi hôi, không ăn. Rau quả ra trái mùa, không ăn. Đồ chưa nấu, không ăn. Không đúng bữa, không ăn. Đồ ăn cắt thái không ngay ngắn, không đúng cách, không ăn. Không có nước chấm (tương, sốt), không ăn. Thịt dù nhiều, cũng không nên cố ăn nhiều. Duy có rượu là không hạn chế, nhưng không uống tới say. Rượu bán ở cửa hàng, không uống. Thịt khô ở chợ, không ăn. Bữa nào cũng nên ăn gừng. Không ăn quá no…” (Trích trong chương hương đảng).
Không ăn thức ăn ôi thiu
Khổng Tử chủ trương không ăn thức ăn ôi thiu, biến màu, có mùi. Thực phẩm hư hỏng không có chỗ tốt và gây hại cho cơ thể con người. Đồ ăn chế biến để lâu, vi khuẩn sinh sôi, gây ngộ độc; biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và cơ thể mệt mỏi, nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ví dụ: độc tố vi nấm aflatoxin sinh ra trong các loại hạt bị mốc, thuộc chất gây ung thư loại một.. Nếu ăn phải có thể tổn thương gan nghiêm trọng.
Một trong những cách ăn uống tốt nhất là ăn đồ còn tươi, chế biến đủ dùng trong ngày. Không nên nấu quá nhiều, thức ăn thừa để qua đêm sẽ bị biến chất. Nếu bỏ đi thì lãng phí đồ ăn, điều này cũng không tốt.
Không ăn đồ sống, không ăn thịt khô bán ngoài chợ
Các nguyên liệu khác nhau được kết hợp với nhau bằng các phương pháp nấu ăn tương ứng làm tăng mùi vị, tăng độ ngon của thức ăn. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản của văn hóa ẩm thực Trung Quốc. Nên sử dụng các phương pháp nấu như hấp, luộc để chế biến nguyên liệu, hạn chế ăn đồ chiên (rán), nướng.
Trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa, không có một món ăn nào sống. Nhiều người ưa thích các món từ thịt cá tái hoặc sống, họ cảm thấy ăn như vậy nguyên vị. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm tàng trang thịt – cá chưa chín rất nhiều. Nhất là ngày nay, khi thực phẩm sống bị nhiễm sán, hoặc chứa virust gây bệnh. Ngoài ra, các món ăn chế biến chín kỹ rất được người xưa ưa chuộng, bởi mùi vị của thực phẩm chín nhừ thấm gia vị thường rất ngon. Người già ăn đồ chín nhừ dễ nuốt và tốt cho hệ tiêu hóa.
Lý do Khổng Tử khuyến cáo người xưa không nên ăn thịt khô rất dễ hiểu. Thông thường, sau khi giết mổ động vật, người ta sẽ bán hết trong ngày. Trong quá khứ các loại thịt khô không được sử dụng nhiều vì nó phải trải qua thời gian phơi khô. Quá trình này khiến thịt dễ nhiễm khuẩn. Thịt khô cũng không rõ nguồn gốc, cũng không rõ lý do vì sao người ta lại đem thịt đi phơi khô. Thịt khô nhà làm thì có thể sử dụng.
Sử dụng gia vị và ăn vừa đủ, đúng giờ
Chúng ta đều biết, việc sử dụng gia vị đa dạng và phù hợp trong chế biến thực phẩm, giúp món ăn trông ngon hơn và mùi vị cũng hấp dẫn hơn. Từ thời cổ đại, gia vị nấu ăn đã là nguyên liệu không thể thiếu trong nhà bếp. Mỗi loại thực phẩm đều có các công thức nấu riêng cùng các gia vị phù hợp. Cùng một loại thịt, chỉ cần gia vị khác nhau, mùi vị đã thay đổi. Đây cũng là cách tránh bữa ăn nhàm chán. Tuy nhiên trong khi chế biến món ăn, chúng ta nên hạn chế muối, và các gia vị quá cay nồng. Vị mặn và vị cay nên dừng lại ở mức độ vừa phải.
Trong bữa ăn của người Á đông thường có nhiều món: từ món ăn mặn đưa cơm, cho đến món ăn có tác dụng điều vị như dưa chua và canh rau để giải nhiệt. Sau bữa ăn là một đĩa hoa quả tráng miệng. Người xưa thường chỉ ăn khi đến bữa cơm. Ngoài ba bữa ăn chính, họ không ăn vặt. Và đó là một thói quen tốt. Khi ăn đúng giờ đúng bữa, cơ quan tiêu hóa có thời gian nghỉ ngơi. Ăn đủ lượng là cân đối dinh dưỡng giữa nạp vào và tiêu hao, khiến cơ thể không bị béo phì và khỏe mạnh.
Tiêu thụ gừng đúng cách mang lại nhiều lợi ích
Khổng Tử tin rằng, việc sử dụng gừng đúng cách mang lại lợi ích cho cơ thể; nhưng chỉ nạp một lượng vừa đủ. Gừng là một loại gia vị phổ biến trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc. Nó có thể loại bỏ mùi tanh (của cá)và mùi hôi (mùi hôi tự nhiên của thực phẩm).
Gừng có tính ấm, vị cay nồng, có tác dụng sinh dương. Dân gian có câu “mùa đông ăn củ cải, mùa hè ăn gừng không cần thầy thuốc kê đơn”. Đối với một số người nhiễm phong hàn, tỳ vị hư hàn, dễ bị lạnh tay chân vào buổi tối, uống một lượng canh gừng thích hợp có thể giúp giảm các triệu chứng.
Uống ít rượu
Thủa xưa, đàn ông khi ăn thường uống rượu; tuy nhiên, không được uống nhiều. Người xưa không mua rượu mà tự lên men để nấu. Mục đích của rượu ban đầu là cúng tế thần linh, tổ tiên. Trong các buổi lễ lớn, rượu được rót trên ly để cúng tế cùng với thịt và các món ăn khác để bày tỏ lòng thành với bề trên.
Mặc dù rượu không bị cấm nhưng người ngày nào cũng uống rượu và uống nhiều đến say khướt đều là người nát rượu. Nhất là rượu ngoài chợ đặc biệt không nên mua. Rượu bày bán ngoài chợ không rõ nguồn gốc, người mua không thể biết người ta nấu có đủ tiêu chuẩn hay không.
Sau khi đọc được “tám thứ không nên ăn” mà đức Khổng Tử đã liệt kê, chúng ta có thể hiểu được vì sao ngày nay nhiều người bị béo phì và mắc bệnh ngay từ khi tuổi còn trẻ. Thân người quý giá, có sức khỏe con người mới có thể tự do sinh hoạt, học tập, làm việc và thực hiện ước mơ. Có câu: “cái miệng làm hại cái thân”, hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau tu tốt cái miệng (theo nghĩa đen) để có được một cơ thể khỏe mạnh.
Nguồn: Soundofhope (Lý Trí)