Thành công lớn nhất của đời người không ngoài sự viên mãn của hôn nhân và hạnh phúc gia đình
Có một câu nói rất hay như thế này: “Thành công lớn nhất của đời người không ngoài sự viên mãn của hôn nhân, may mắn lớn nhất không ngoài hạnh phúc gia đình”. Một mái ấm gia đình hạnh phúc, hòa thuận và hưng vượng là điều mà ai ai cũng mong muốn, là phúc báo mà mọi người đều muốn có.
Rốt cuộc, đâu là ‘chiếc chìa khóa vàng’ để một gia đình đạt được thành công ấy?
Siêng năng cần cù
Tăng Quốc Phiên từng viết: “Phàm nhất gia chi trung, cần tự năng thủ đắc kỷ phần, vi hữu bất hưng, nhược toàn vô nhất phần, vi hữu bất bại”, ý nghĩa là, trong bất kỳ gia đình nào, nếu có thể giữ được vài phần siêng năng thì sẽ hưng thịnh, nếu không giữ được phần nào thì ắt sẽ gặp thất bại.
Làm người kiêng kị nhất là ‘trôi theo dòng nước’, không đứng vững trước cám dỗ, không chịu được sự cọ sát.
Khổ nạn, đó chính là con đường bắt buộc phải bước qua nếu ai đó muốn ngày càng tốt hơn.
Trời ban thưởng cho người cần cù và siêng năng, người chăm chỉ sẽ giúp gia đình hưng thịnh, thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Chỉ khi hành động, bạn mới có thể phát triển tiềm năng của bản thân, khiến gia đình ngày càng đi lên.
Người bại vì lười nhác, gia bại vì lười biếng. Con người quá nhàn rỗi, đó không phải là phước lành, mà là tai họa.
Kiên trì
Người xưa thường nói: Con người thắng ở siêng năng, quý ở kiên trì.
Nếu như nói, siêng năng là con đường giúp gia đình hưng thịnh, vậy thì kiên trì chính là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của gia đình.
Trong cuộc sống, rất nhiều người thất bại không phải vì họ không thông minh, không biết nắm bắt cơ hội, mà là dễ dàng bỏ cuộc trước khi thành công đến.
Những người không kiên trì nhẫn nại, cho dù họ có thể vượt qua bao nhiêu trở ngại, họ cũng sẽ không thấy được tương lai tươi sáng hơn.
Có một câu nói rất ý nghĩa: “Nỗ lực cố gắng không nhất định sẽ thành công, nhưng từ bỏ nhất định sẽ dễ dàng” (ý muốn nói, cố gắng thì khó, từ bỏ thì dễ). Người có thói quen bỏ cuộc giữa chừng, cuộc sống của họ sẽ trở nên tầm thường.
Trong một gia đình, nếu cha mẹ luôn biết cách kiên trì vượt qua mọi khó khăn thử thách, con cái của họ sẽ có ý chí vững vàng, không dễ khuất phục trước khó khăn.
Nếu sự kiên trì, bền lòng có thể nuôi dưỡng từ thế hệ này sang thế hệ khác, sự nghiệp đời đời ắt sẽ thành công.
Khiêm nhường
Gia đình hòa thuận là thành công lớn nhất của đời người. Trong cuộc sống, rất nhiều người thường phạm một sai lầm: Đối xử tử tế với người ngoài, đối xử tệ với người nhà.
Trong “Lễ Ký” có viết: “Phụ tử đốc, huynh đệ mục, phu thê hòa, gia chi phì dã“, ý nghĩa là, cha con thật thà trung thực, anh em hòa thuận, vợ chồng hòa nhã, gia đình thịnh vượng.
Nhưng chúng ta lại đâu biết rằng, người nhà chính là quý nhân trong cuộc đời của chúng ta. Duy chỉ có thiện đãi người nhà, chúng ta mới được cuộc sống đối xử nhẹ nhàng.
“Gia hòa vạn sự hưng”, gia đình hòa thuận không thể tách rời sự khiêm nhường giữa các thành viên trong nhà.
Khiêm nhường với cha mẹ, đó là hiếu thuận.
Khiêm nhường với bạn đời, đó là trí huệ.
Khiêm nhường với anh chị em, đó là sự trân trọng.
Người trong nhà chung sống hòa thuận với nhau, trở ngại gặp phải có lớn đến đâu cũng có thể vượt qua được. Một gia đình như vậy có thể không thịnh vượng được sao?
Hiếu thuận với cha mẹ
Trong “Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh” có nói: “Từ tâm hiếu thuận, cung dưỡng phụ mẫu, toán kỳ công đức, thù thắng nan lượng”, ý nghĩa rằng, dùng tấm lòng từ bi hiếu thuận để phụ dưỡng cha mẹ, công đức và phước lành thật không thể kể xiết.
Hiếu thuận cha mẹ, đó là công đức lớn nhất của đời người. Cha mẹ là người mang chúng ta đến với thế giới này, chúng ta không thể quên cội nguồn của mình, càng không thể quên báo ân. Đó cũng chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, lòng biết ơn là một triết lý sống trên đời, cũng chính là trí huệ nhân sinh.
Nuôi dưỡng một tấm lòng biết ơn, con người sẽ biết đủ, từ đó có được hạnh phúc.
Hiếu thuận với cha mẹ không chỉ thể hiện nhân phẩm của con người, mà còn là phong thủy của một gia đình.
Một gia đình nếu muốn phồn thịnh bất diệt, thì trước tiên cần phải truyền đạo Hiếu từ đời này qua đời khác.
Giữ gìn đạo hiếu và gia phong đoan chính, đó chính là phong thủy tốt nhất của một gia đình.
Tiết kiệm
Một gia đình có thói quen xa hoa, dù giàu có đến mấy cũng sẽ ngày một sa sút, lụi bại.
Phúc báo của đời người là có hạn, nếu một người sở hữu nhiều tài sản nhưng lại phung phí một cách bừa bãi, phước báo của họ sẽ ngày một cạn kiệt, cuối cùng khiến bản thân bị tổn hại.
Gia Cát Lượng từng nói: “Tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức”, tức là lấy tĩnh lặng để tu thân, lấy tiết kiệm để dưỡng đức.
Tiết kiệm không phải là keo kiệt, mà là trân trọng, phung phí không phải là hào phóng, mà là lãng phí.
Tổ tiên cần phải lưu truyền gia phong cần kiệm, để lại phúc đức cho đời sau, khiến gia tộc thêm hưng thịnh.
Theo Vương Hòa – Aboluowang
Lan Hòa biên dịch