“Trời đánh tránh bữa ăn” – Câu nói này có nguồn gốc và ý nghĩa thế nào?

“Trời đánh tránh bữa ăn” – Câu nói này có nguồn gốc và ý nghĩa thế nào?

Trong dân gian có lưu truyền câu nói: “Trời đánh tránh bữa ăn”. Vậy câu nói này có nguồn gốc từ đâu? Và nó có hàm ý gì, dành cho những ai?

Chuyện thần thoại về Thần cai quản Sấm và Sét

Lôi Công, hay còn gọi là Lôi Thần, Lôi sư, là một nhân vật trong chuyện thần thoại. Ông là một vị Thần sấm, chuyên cai quản việc cho nổ sấm xuống trần gian. Lôi Công được biết đến với thân hình vạm vỡ, giống như một lực sĩ; ngực và lưng để trần, ở trên lưng của ông còn có một đôi cánh dài; tay chân thì có móng vuốt như đại bàng. Ông thường đeo bên người rất nhiều trống, hễ đánh trống thì cả bầu trời sẽ dậy vang tiếng sấm.

Thê tử của Lôi Công là Điện Mẫu. Bà là một vị tiên nữ chuyên trông coi việc đánh sét. Bà còn có tên gọi khác là Kim Quang Thánh Mẫu, Thiểm Điện nương nương. Hình tượng của bà đoan trang thanh nhã; nên người đời gọi là Điện Mẫu Tú Thiên Quân. Điện Mẫu ngoài việc đánh sét, thì còn tương truyền rằng trong khi bà và Lôi Công cãi nhau, bầu trời cũng sẽ xuất hiện tiếng sấm sét vang dội.

Chuyện thần thoại về Thần cai quản Sấm và Sét
Lôi Công và Điện Mẫu (Ảnh minh họa)

Trước kia, công việc của Lôi Công và Điện Mẫu là tạo ra sấm sét. Nhưng từ thời tiên Tần lưỡng Hán, nhiệm vụ của họ đã có sự thay đổi. Họ được giao cho việc đó là trừng trị cái ác, tuyên dương điều thiện. “Sấm sét” lúc này có ý nghĩa đó là thay trời hành đạo, trừng trị kẻ ác.

Do vậy, trong Đạo giáo cũng coi Lôi Công và Điện Mẫu là Thần linh. Nhiều miếu thờ và đạo quán có tượng Lôi Công và Điện Mẫu. Người của Đạo gia khi cầu mưa cũng thỉnh nhờ đến sự trợ giúp của 2 vị này.

Nguồn gốc câu nói: “Trời đánh tránh bữa ăn”

Câu chuyện cổ xưa về khởi nguồn của câu nói

Câu nói “Trời đánh tránh bữa ăn”, là biến thể từ câu “Lôi công không đánh người đang ăn cơm”. Nó bắt nguồn từ một câu chuyện như sau:

Trong một gia đình có 3 người gồm bố mẹ và con gái. Một ngày nọ, hai vợ chồng ra đồng làm ruộng. Cô con gái ở nhà nấu cơm. Vì cô bé nghĩ cha mẹ làm lụng vất vả, nên khi vo gạo nấu cơm, cô bé chỉ gạn nước cơm để uống; còn cơm trắng nhường cho cha mẹ đi làm về ăn. Tuy nhiên, cô bé mới vừa uống xong, bầu trời liền xuất hiện một tia chớp, lôi cô bé ra quỳ ở ngoài sân.

Khi cha mẹ trở về thấy con gái quỳ trên đất. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì đột nhiên từ trên trời bay xuống một tờ giấy. Trên đó ghi rằng cô bé không có lương tâm, đã uống hết nước cơm; bởi vậy trời truyền thư xuống, rằng đợi đến buổi trưa sẽ xử phạt. Cô bé bèn kể lại sự việc cho cha mẹ nghe. Cha mẹ biết con mình hiếu thảo, nhưng bởi vì thiên mệnh không thể làm trái nên chỉ có thể kiên nhẫn chờ đợi.

Vậy là ba người họ cùng nhau ăn cơm. Người cha thương con gái nên đã nhường cơm cho con ăn. Đến trưa, trời bỗng dần dần tối sầm lại. Người cha nghĩ chắc thời khắc đã tới, nhưng họ vẫn còn đang ăn cơm. Bỗng nhiên một trận gió thổi bay tới một tờ giấy; trên nói rằng: “Bởi vì thời gian ăn cơm trùng với thời gian xử phạt, nên đã qua giờ xử phạt; Lôi Công không đánh người đang ăn cơm, nên sẽ không trừng phạt cô con gái nữa, cho cô được sống.

Từ đó, mọi người truyền nhau câu nói “Lôi Công không đánh người đang ăn cơm”. Dân gian tin rằng Lôi Công thay trời hành đạo, nên cũng nói thành câu “Trời không đánh người đang ăn cơm”. Về sau người ta rút gọn thành câu: “Trời đánh tránh bữa ăn”.

Suy ngẫm về câu chuyện

Thực tế thì Ông trời vốn rất công bằng. Một niệm của con người xuất ra thì là thiện niệm hay ác niệm, Ông Trời đều có thể nhìn thấy rõ hết. Vậy nên tình cảm của gia đình 3 người nhà họ làm sao mà Ông không biết cho được. Mặt khác, cha mẹ trong câu chuyện trên khi nhận được văn tự rơi xuống; không lập tức quát mắng con cái mà chỉ hỏi lại con cặn kẽ đầu đuôi. Sau khi hiểu rằng con gái bị oan thì họ lại càng thương con hơn.

Vậy nên, người có hiểu biết lý lẽ và thiện tâm thì theo đạo Trời sẽ không phải bị xử phạt. Cô con gái hiếu thảo đã không phải chết oan dưới tia sét của Lôi Công. Thật ra, đây là câu chuyện bắt nguồn của câu nói “Trời không đánh người đang ăn cơm”. Nhưng về hàm ý thì nó vẫn là cái cớ để người ta hiểu ở bề mặt là vậy.

Ông trời mượn câu chuyện này để truyền cho con người một thông điệp nhân văn rằng: “Thần Phật uy nghiêm nhưng cũng rất từ bi“. Thiện có thiện báo, ác có ác báo; đây là quy luật của vũ trụ dành cho con người. Quả báo dù xảy ra trước sau thì đều đã được sắp đặt rất kỹ lưỡng. Làm người cứ dùng thiện tâm mà đối đãi với nhau, thì trời sẽ không phụ bạc người tốt bao giờ.

Hàm ý của câu nói “Trời đánh tránh bữa ăn”

Câu nói này vừa thể hiện sự từ bi của Thần; vừa là một lời nhắc nhở đối với các bậc cha mẹ khi giáo dục trẻ nhỏ. Trong văn hóa của người Việt, các thành viên trong gia đình thường ăn cơm cùng nhau. Bữa ăn cũng là khoảng thời gian để ngồi bên nhau và thể hiện tình cảm.

Hàm ý của câu nói “Trời đánh tránh bữa ăn”
Bữa cơm gia đình cũng là một nét văn hóa truyền thống Việt.

Tuy nhiên, ngày nay, nhiều cha mẹ thường cứ vào các bữa cơm lại la mắng và phê bình con cái. Cách giáo dục này đã phá hỏng đi văn hóa bữa cơm gia đình Việt. Điều này còn làm mất đi không khí ấm cúng và vui vẻ của bữa ăn; đồng thời còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ.

Vậy nên, ngày nay người ta thường dùng câu “Trời đánh tránh bữa ăn”, với hàm ý chính là để nhắc nhở người lớn rằng “không nên la mắng và đánh trẻ trong bữa ăn”. Cần giáo dục con cái một cách có lý trí và thiện tâm mói có hiệu quả tốt.

Mộng Đình biên dịch
(Nguồn: Secret China)



Bạn có thể thích những bài đăng này