Trạng lường Lương Thế Vinh: Người đặt nền móng cho nền Toán học Việt đã làm thế nào cân được voi?

Trạng lường Lương Thế Vinh: Người đặt nền móng cho nền Toán học Việt đã làm thế nào cân được voi?

Lương Thế Vinh (1441 – 1496) là nhà toán học, Phật học, nhà thơ nổi tiếng thời Lê Sơ. Ông quê làng Cao Hương, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lương Thế Vinh được người đời quen gọi là Trạng Lường. Lí do là vì ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra rất giỏi trong việc đo lường. Ông đỗ Trạng nguyên năm 1463 đời vua Lê Thánh Tông. Lương Thế Vinh là tác giả cuốn “Đại thành toán pháp”, cuốn sách dạy toán học đầu tiên của nước ta. 

Khi đến tuổi trưởng thành, có lần Lương Thế Vinh đến một khúc sông, thấy mấy người đang bàn tính với nhau tìm cách đo chiều rộng của con sông để bắc cầu. Hôm đó nước sông dâng cao và chảy xiết, nên không thể bơi qua. Lương Thế Vinh bèn góp ý: “Không cần sang sông làm gì. Các ông tìm cho tôi mấy cái cọc, tôi sẽ đo giúp”.

Lúc đầu, mấy người nọ tưởng ông nói đùa, không tin. Nhưng chỉ sau một lúc đóng cọc, ngắm nghía và tính toán, ông đã cho biết khúc sông rộng bao nhiêu thước. Thì ra từ thời đó, Lương Thế Vinh đã biết đến kiến thức về tam giác đồng dạng.

Trạng lường Lương Thế Vinh cân voi

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam, trong cuốn sách Trạng Lường Lương Thế Vinh (Nxb Văn hóa Dân tộc phát hành năm 2007) kể rằng: Có lần sứ thần nhà Minh là Chu Hy sang nước ta. Chu Hy là một học sĩ có tiếng tăm của triều Minh, xuất thân là một Tiến sĩ đại khoa, hiểu biết rộng, có văn tài. Sai Chu Hy đi sứ lần này, vua Minh rất tin tưởng nhưng vua vẫn ân cần dặn dò phải thận trọng trong khi tiếp xúc với quan triều Đại Việt, nhất là đối với Lương Thế Vinh.

Quả nhiên, vua Lê Thánh Tông đã sai Lương Thế Vinh đón tiếp sứ triều Minh. Muốn thử tài Trạng nguyên Đại Việt, Chu Hy hỏi rất nhiều điều trong sách. Trạng Lường đối đáp rất nhanh, nội dung rành mạch, nghĩa lý thâm thúy khiến sứ nhà Minh phải phục.

Một hôm sứ thần nhà Minh và Trạng Lường cùng đi dạo chơi thì gặp một toán lính đang cho voi ăn mía bên đường. Chu Hy cười nói: “Lần này quan Trạng Đại Việt ắt thua tôi. Xin ngài cho biết con voi này nặng bao nhiêu cân?”. Trạng Lường không thay đổi sắc mặt, bình thản cười theo và cung kính: “Xin vâng!”. Dứt lời, Vinh xăm xăm cầm cân đi cân voi.

“Tôi xem chiếc cân của ông hơi nhỏ so với con voi đấy!” – Chu Hy cười nói.

“Thì chia nhỏ voi ra!” – Vinh thản nhiên trả lời.

“Ông định mổ thịt voi à? Cho tôi xin một miếng gan nhé!”

Lương Thế Vinh tỉnh rụi nhưng không đáp. Đến bên sông, trạng chỉ chiếc thuyền bỏ không, sai lính dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mép nước bên mạn thuyền rồi dắt voi lên bờ. Kế đó, trạng ra lệnh đổ đá xuống thuyền, cho tới khi mép nước ngang vạch dấu cũ thì ngưng lại.

Cuối cùng, trạng cho cân tất cả số đá đó rồi cộng lại thì tính ra trọng lượng của voi.

“Ông ra mà xem cân voi này!” – Vinh gọi to sứ giả. Sứ giả trông thấy vô cùng nể phục, nức nở khen: “Quan Trạng Đại Việt giỏi thật”.

Nguồn: mathx

Con trai Tào Tháo có giai thoại giống với Lương Thế Vinh

Câu chuyện Tào Xung cân voi Đông Ngô nói trên rất giống với cách mà Trạng Lường Lương Thế Vinh của Việt Nam hồi thế kỷ 15 đã dùng để cân voi. Chỉ khác một điều là Trạng Lường cân voi khi bị sứ thần Trung Quốc thách đố.

Tào Tháo thời Tam Quốc có một đứa con trai nhỏ nổi tiếng thần đồng là Tào Xung. Điều thú vị là nhân vật Tào Xung lại có một giai thoại rất giống với trạng nguyên Lương Thế Vinh của Việt Nam sống sau đó 12 thế kỷ.

Mạng Toutiao của Trung Quốc gần đây đăng một bài viết về giai thoại Tào Xung cân voi của Đông Ngô như sau:

Tào Xung từ nhỏ đã thông minh, khi 5 ,6 tuổi trí tuệ đã như người lớn. Có một lần, Tôn Quyền của Đông Ngô tặng Tào Tháo một con voi lớn, Tào Tháo triệu tập văn võ bá quan và cậu con trai Tào Xung cùng đi xem. Người của Tào Tháo đều chưa thấy voi bao giờ. Con voi này lại vừa cao vừa to. Mọi người xôn xao bàn tán so sánh chân nó to như cái cột. Có người đến gần nó để so sánh thì còn đứng chưa đến bụng nó.

Tào Tháo chỉ vào con voi nói: “Con voi này thật là to, nhưng rút cục nó nặng bao nhiêu? Ai trong các người có cách cân thử nó không?” “Ôi chao con voi to như thế lại có thể cân ư” – các quan xôn xao bàn tán như vậy. Có người nói: “Chỉ có tạo một cái trụ thật cao mới cân được”.

Lại có người nói: “Cái này phải tạo một cán cân thật to mới được”. Rồi lại nói: “Nhưng con voi là vật sống cũng không có cách gì cân được, tôi thấy chỉ có cách giết thịt nó, xẻ thành từng khối thịt mới cân nổi”. Ông này vừa nói xong, những người có mặt đều hô hô cười vang. Mọi người nói: “Biện pháp của ông đấy ư, thật là thô kệch, vì cân trọng lượng mà đem voi sống giết thịt chẳng đáng tiếc lắm sao?”.

Các vị đại thần nghĩ ra rất nhiều biện pháp, nhưng biện pháp nào cũng không thể thực hiện. Thật là xấu hổ. Lúc đó, từ trong đám người một cậu bé bước ra nói với Tào Tháo: “Cha, con có một cách có thể cân voi”. Tào Tháo nhìn lại thì ra là đứa con trai yêu quý Tào Xung nên mỉm cười nói: “Con nhỏ tuổi như vậy có biện pháp gì? Con hãy nói thử xem có đạo lý gì không”.

Tào Xung nói ra biện pháp của mình. Tào Tháo nghe qua liền khen hay rồi truyền cho tả hữu lập tức chuẩn bị cân voi, sau đấy nói với các đại thần: “Đi, chúng ta đến bên sông xem cân voi”.

Các vị quan cùng Tào Tháo đến bên bờ sông. Trên sông có neo một chiếc thuyền. Tào Tháo gọi người dắt voi lên thuyền. Đợi cho thuyền ổn định rồi bèn đánh dấu vào chỗ mép nước trên mạn thuyền. Sau đó lại sai người dắt voi lên bờ rồi đem những hòn đá lớn nhỏ bỏ lên thuyền. Lính bỏ từng đống đá lên thuyền cho đến khi độ mớn nước của thuyền đến chỗ đánh dấu đó thì Tào Xung bảo lính dừng lại.

Các đại thần trước đó trợn tròn mắt vẫn chưa hiểu đó là cách gì, đến lúc này đều đồng thanh tán thưởng: “Cách hay, quả là cách hay”. Hiện tại ai cũng biết rồi, chỉ cần đem số đá trên thuyền đi cân rồi cộng tổng trọng lượng lại thì sẽ biết trọng lượng của voi.

Tào Tháo tất nhiên càng vui vẻ hơn. Ông ta nhìn con trai, cười híp cả mắt, vừa dương dương đắc ý vừa nhìn các đại thần, giống như trong lòng thầm nói: “Các ngươi còn không bằng đứa con nhỏ thông minh này”.

Do thông minh, Tào Xung rất được Tào Tháo yêu mến. Tào Xung và Tào Phi là hai người con trai mà Tào Tháo tâm đắc nhất. Tuy nhiên Tào Xung không may yểu mệnh, chết từ lúc mới 12 tuổi.

Câu chuyện cân voi như trên đây chỉ là một trong nhiều giai thoại mà dân gian Việt Nam vẫn truyền tụng để nói về trí thông minh và tài giỏi tính toán của Trạng Lường Lương Thế Vinh. Câu hỏi mà có lẽ sẽ có độc giả đặt ra là: “Phải chăng Lương Thế Vinh đã được đọc điển tích Tào Xung cân voi nên dễ dàng giải được câu đố khó của Chu Hy?”

Tôi thì tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì tuy thời phong kiến, người Việt học chữ Hán, học sử Trung Quốc rất kỹ nhưng nếu điển tích Tào Xung cân voi là một điển tích phổ biến trong sách vở của Nho sinh thì có lý đâu Chu Hy là một người làu thông kinh sử mà lại vui mừng hớn hở đến độ cả quyết rằng phen này Trạng Đại Việt ắt thua tôi khi ông ta ra câu đố như vậy. Do đó ta có thể tin rằng việc Trạng Lường nghĩ ra cách cân voi giống với cách của Tào Xung thì chỉ là vì hai người đều thông minh tuyệt đỉnh nên đã nghĩ ra được cách duy nhất để cân một con voi mà không phải xẻ thịt nó ra trong thời buổi chưa có cái cân nào cân được tải trọng hàng tấn như vậy.

Theo danviet/doctruyencotich



Bạn có thể thích những bài đăng này