Cổ nhân dạy: Trong ba người đồng hành, ắt có người làm thầy của ta
Đương thời, Khổng Tử từng căn dặn học trò của mình rằng: “Cho dù chỉ có 3 người trên đường, trong đó nhất định sẽ có người là thầy chúng ta, phải học ưu điểm của người ta, và lấy khuyết điểm của họ để soi vào bản thân mình, từ đó mà sửa mình. Chỉ có như thế, chúng ta mới không ngừng tiến bộ”.
Bất kỳ người nào, Khổng Tử cũng thấy đáng là thầy của mình để học
Khi Khổng Tử chu du liệt quốc, rất nhiều người tìm đến, mong được bái ông làm thầy. Nước Lỗ có người gọi là Thúc Sơn Vô Chỉ. Anh ta vi phạm pháp luận nên bị xử tội chặt một chân. Thấy Khổng Tử, anh ta cứ cà nhắc chống nạng theo sau, mong muốn được gặp Khổng Tử và xin bái Khổng Tử làm thầy.
Khi được tiếp kiến, Khổng Tử nói với anh ta với thái độ không hài lòng: “Anh làm việc không cẩn thận, nên đã phạm tội bị chặt một chân. Mặc dù nay anh cũng đã tìm được đến ta, nhưng không thể bù lại được, thế thì có tác dụng gì?”.
Thúc Sơn Vô Chỉ trả lời: “Tôi chỉ vì không hiểu rõ đạo lý, nên mới mắc sai lầm để bị tội, bị chặt mất một chân. Hôm nay tôi tìm đến Ngài, là vì vẫn còn có thứ cao quý hơn chân, tôi muốn bảo toàn nó. Trời che phủ muôn loài, vạn vật đều được Đất nâng đỡ. Tôi vốn coi Ngài như là Trời Đất, nhưng nào ngờ Ngài lại có thái độ như thế này”.
Khổng Tử nghe xong, vô cùng xấu hổ, nói với Thúc Sơn Vô Chỉ rằng: “Khổng Tử ta thực sự nông cạn, tiên sinh sao chẳng ngồi xuống, xin tiên sinh hãy nói những đạo lý mà tiên sinh biết, tôi vô cùng cung kính lắng nghe và xin được học tập tiên sinh”.
Nhưng Thúc Sơn Vô Chỉ chẳng để ý gì đến Khổng Tử nữa mà đã bỏ đi.
Khổng Tử nói với các đệ tử: “Hôm nay ta đã phạm phải một sai lầm lớn. Tại sao ta lại có thể căn cứ vào cái thiện ác trước kia của người ta để phán đoán người ta là người thế nào cơ chứ? Người như Thúc Sơn Vô Chỉ thế này, bị mắc tội mà bị chặt mất một chân, vậy mà vẫn nỗ lực học tập để tu sửa lỗi lầm xưa, tự trau dồi bản thân. Thế thì người không có lỗi lầm thì còn thế nào. Các trò nhất định phải ghi nhớ, cho dù chỉ có 3 người trên đường, trong đó nhất định sẽ có người là thầy chúng ta, phải học ưu điểm của người ta, và lấy khuyết điểm của họ để soi vào bản thân mình, từ đó mà sửa mình. Chỉ có như thế, chúng ta mới không ngừng tiến bộ”.
Ngay cả trẻ em, Khổng Tử cũng coi là thầy để học
Trong Tam Tự Kinh có câu: “Tích Trọng Ni, sư Hạng Thác”, nghĩa là “Xưa Khổng Tử, coi đứa trẻ Hạng Thác là thầy”.
Hạng Thác là một thiếu niên người nước Yên. Một hôm, Hạng Thác đến gặp Khổng Tử và nói: “Con nghe nói Khổng tiên sinh học vấn uyên thâm, con đến xin tiên sinh dạy bảo”.
Khổng Tử cười và nói: “Xin mời, con hãy nói coi”.
Hạng Thác chắp tay bái Khổng Tử rồi hỏi: “Tiên sinh cho hỏi nước gì không có cá? Lửa gì không có khói? Cây gì không có lá? Hoa gì không có cành?”.
Khổng Tử nghe xong, cười và nói: “Con đúng là hỏi kỳ quặc. Sông, biển, ao, hồ, nước gì cũng có cá hết. Bất kể củi, rơm, đèn, đuốc, lửa gì cũng có khói hết. Còn các loài cây cỏ, nếu không có lá thì không thành cây, không có cành thì cũng chẳng có chỗ mà mọc ra hoa”.
Hạng Thác nghe xong cười khanh khách một lục lâu, rồi lắc đầu nói: “Không đúng! Nước giếng thì không có cá. Lửa đom đóm thì không có khói. Cây khô thì không có lá. Hoa tuyết thì không có cành”.
Khổng Tử than rằng: “Hậu sinh khả úy, lão phu xin bái cậu làm thầy”.
***
Con người cao quý, hơn nhau ở đức hạnh và học vấn chứ không phải ở tiền tài và địa vị.
Người có đức hạnh cao, học vấn uyên thâm là người biết cúi mình học hỏi người khác.
Người khéo học hỏi người khác là người có thể thấy bất kỳ người nào cũng có những điều mình cần học: Tìm ưu điểm của họ để học theo, thấy khuyết điểm của họ để soi lại mình, tìm xem mình có khuyết điểm đó không, rồi tu sửa bản thân, hoàn thiện mình. Do đó, bất kỳ ai cũng đều là thầy để mình học tập, tu sửa. Đó chính là ý nghĩa câu nói của Khổng Tử “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” (Ba người đồng hành, ắt sẽ có thầy của mình).
Người có thể thấy bất cứ ai cũng xứng là thầy của mình để học tập tu sửa, chính là người có tấm lòng bao dung, rộng mở, có thể dung nạp tất cả sở trường sở đoản của mọi người, học sở trường, tu bỏ sở đoản, ngày ngày đều thọ ích, đều tiến bộ.
Biển rộng mênh mông là do biển không từ chối bất kỳ giọt nước nào đổ vào nó. Núi cao sừng sững muôn trượng là do núi không từ chối bất kỳ hòn đá nhỏ nào chất lên nó.
Cho nên, người có lòng bao dung rộng lớn là người biết buông bỏ ý kiến của bản thân, lắng nghe, quan sát, dung nạp mọi người thiện ác, mọi ý kiến hay dở, mọi đánh giá khen chê, giống như biển rộng, giống như non cao.
Nam Phương – đkn