Người tài thua bởi “kiêu”, người thường bại bởi “lười”

Người tài thua bởi “kiêu”, người thường bại bởi “lười”

Tài năng chỉ là một yếu tố quyết định thành bại của một người, phẩm đức và nhân cách mới chính là ‘tấm vé’ song hành, bảo đảm cho sự thành công lâu dài của đời người.

Người tài giỏi đều vì kiêu ngạo mà thất bại

Người xưa có câu: Cậy tài khinh người.

Người tài thường nhanh nhẹn, tài trí nên có thể nhanh chóng nắm bắt  cơ hội và nảy ra những ý tưởng hay ho. Tuy vậy, điều duy nhất khiến họ thất bại chính là vì tính cách kiêu ngạo của chính họ.

Họ luôn phớt lờ người khác, cho rằng mình đã đủ giỏi và không cần học hỏi gì từ những người xung quanh. Vì vậy, một khi đã kiêu ngạo, những người này sẽ trở nên tự cao, tự đại và tự đắm chìm vào vòng hào quang bản thân tự tạo ra mà không để mắt đến những lời nói của người khác. Cứ như vậy, thất bại là điều dễ dàng.

Nhìn ở một góc độ khác, những người kiêu ngạo tuy có chỉ số IQ cao nhưng chỉ số EQ lại thấp, do đó khả năng thu phục lòng người kém. Trong Tam quốc diễn nghĩa, Dương Tu là một nhân tài kiệt xuất được Tào Tháo rất trọng dụng. Tuy nhiên chỉ vì thói kiêu ngạo, cậy tài, khoe tài, Tào Tháo cũng không dung nổi mà ban cho cái chết.

Ngoài ra, ngay cả khi người lãnh đạo có thể chịu được kẻ kiêu ngạo thì đồng nghiệp của họ cũng chưa chắc đã chịu được. Ví dụ như Hứa Du vì lập được công lớn trong trận chiến Quan Độ nên luôn tỏ thái độ ngạo mạn, cuối cùng cũng bị hãm hại.

Lại có câu: Một người kiêu ngạo là khi họ không thèm che đậy sự khôn ngoan của mình.

Ở đời, giấu dốt là dại dột, giấu khôn là khôn ngoan. Con người cần học cách che đậy sự sắc sảo của bản thân. Tài năng và trí tuệ thực sự là biết những điều mà bản thân mình không biết, để từ đó không ngừng học hỏi và ngày càng tiến bộ. Nước chảy chỗ trũng, khi ta hạ tư thế xuống chỗ thấp nhất, tuy phúc chưa tới nhưng họa sẽ rời xa.

Trong thời đại này, nhiều người nóng vội thể hiện bản thân, khao khát được người khác công nhận. Vì vậy, khi vừa mới đạt một chút thành tựu đã vội dương dương tự đắc, coi thường người khác.

Trong cuộc sống này, chỉ có những người có tài mà lặng lẽ, có công mà biết thận trọng, có thành tựu nhưng khiêm tốn thì mới là bậc đại tài thực sự.

Người bình thường vì lười biếng mà thất bại

Trên đời này có rất nhiều người bình thường, lý do khiến họ không trở nên “đặc biệt” không phải vì họ không đủ tài năng mà vì họ thực sự lười biếng.

Trong thời đại ngày nay, hầu hết ai ai cũng mong muốn một cuộc sống như thế này: Có nhiều tiền, chỗ làm việc gần nhà, quyền cao chức trọng nhưng trách nhiệm nhẹ nhàng; mong được ngủ đã đời rồi thức dậy, đếm tiền cho đến khi mỏi tay; cứ lễ Tết là có tiền thưởng, người ta tăng ca còn mình tăng lương, sống nhàn nhã đến cuối đời,…

Đây là sự thoải mái mà bao người khao khát, nhiều người còn coi trạng thái sống này là mục tiêu. Tuy nhiên trên thực tế, đây là lười biếng, cũng được gọi là không làm mà hưởng.

Bạn nghĩ rằng đó là sự nghỉ ngơi nhưng thực tế đó là sự buồn chán. Trạng thái sống này làm hao mòn đi tính cách của bạn, làm tiêu tan hy vọng và khiến đầu óc bạn ngày càng rỗng tuếch, hạn hẹp. Khi bạn mất đi phương hướng, bạn hoang mang hơn về cuộc sống và sống vất vơ vất vưởng như một cái xác vô hồn.

Đây cũng là hiện trạng của những người tầm thường trên thế giới: Họ thích nhàn hạ, lười làm việc và mơ tưởng về những điều mình mong muốn. Nhưng cuối cùng, họ thường chẳng đạt được gì.

Ngược lại, cũng có nhiều người bình thường nhưng chăm chỉ, tận tâm với công việc và tạo ra nhiều giá trị cho tập thể và xã hội. Từ đó, họ có được sự công nhận của tất cả mọi người.

Có một “quy tắc 10.000 giờ” nổi tiếng: 10.000 giờ luyện tập là điều kiện cần để bất kỳ ai cũng có thể từ một người bình thường trở thành bậc thầy. Để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần 10.000 giờ.

Nếu bạn làm việc 8 giờ một ngày, 5 ngày một tuần, thì phải mất ít nhất 5 năm để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực. Điều khiến một thiên tài trở nên phi thường trong mắt mọi người không phải là tài năng vượt trội mà chính là sự nỗ lực không ngừng của họ.

Danh họa Leonardo da Vinci là một người như thế. Ông bắt đầu vẽ tranh bằng trứng từ khi còn rất nhỏ. Ngày qua ngày, năm này qua năm khác từ khổ luyện mà có được kỹ năng xuất chúng.

Vì thế mà sau này, ông đã cho ra đời hoàng loạt bức họa nổi tiếng thế giới, một trong số đó là tuyệt tác “Mona Lisa” khiến cả thế giới ngã mũ thán phục.

Do đó, những người bình thường có thể tạo ra kỳ tích miễn là họ sẵn sàng bỏ công sức.

Ở một góc độ khác, nếu một người sẵn sàng dành thời gian, bỏ công sức để thực hiện một công việc hay khổ luyện một kỹ năng nào đó thì người đó chính là người phi thường trong những người bình thường.

Đây chính là sự khác biệt giữa tầm thường và bình thường: Chúng ta có thể bình thường, nhưng không thể tầm thường!

Người có tài sợ nhất sự kiêu ngạo, người kém tài sợ nhất sự lười biếng. “Kiêu căng” và “lười biếng” ở đây cũng phản ánh đức hạnh của một người. Vì vậy, suy cho cùng, không cần biết một người có tài năng hay không, chính “phẩm đức” của họ sẽ quyết định họ có thành công hay không!

Lan Hòa biên tập
Nguồn: Soha ((Theo zhuanlan.zhihu.com)



Bạn có thể thích những bài đăng này